Cói hay còn gọi là cỏ biển được mệnh danh là "nguyên liệu vạn năng" bởi tính ứng dụng cao trong các sản phẩm như giỏ, túi xách, chao đèn,...
Ảnh tự chụp tại hợp tác xã làm chiếu, Đồng Minh, Hải Phòng
Cói là chất liệu quen thuộc, ai ai cũng lớn lên cùng chiếc chiếu cói. Cói là loài thân cỏ, được trồng nhiều ở phía Bắc. Khi cắt ngang sợi cói sẽ thấy rất nhiều sợi nhỏ bên trong, cấu tạo như một miếng mút xốp, có độ đàn hồi. Chính vì cấu tạo này mà đặc tính của cói là HÚT ẨM.
Ảnh tự chụp tại hợp tác xã làm chiếu, Đồng Minh, Hải Phòng
Đặc tính hút ẩm này giúp cho chiếu cói có khả năng thấm hút mồ hôi, khô thoáng, nhưng lại vẫn giữ ấm. Cói cũng có độ êm nhất định nên chiếc chiếu cói có tác dụng rất tốt cho sức khỏe.
Ảnh tự chụp tại hợp tác xã làm chiếu, Đồng Minh, Hải Phòng
Nhưng cũng vì đặc tính hút ẩm này, nếu cói được làm thành giỏ, sọt, hay các vật dụng khác, khả năng bị mốc khá cao. Sợi cây cói là môi trường lý tưởng cho mốc phát triển.
Vì sao cói nhanh mốc mà làm chiếu thì lại không sao? Vì khi nằm, ngồi, chiếu tiếp xúc nhiều với da người nên hút được một lớp dầu tự nhiên, lớp dầu này làm cho sợi cói bóng, và không bị mốc được.
Đây cũng là lý do vì sao không nên giặt chiếu bằng xà phòng. Xà phòng sẽ phá hủy cấu trúc tự nhiên của cói, làm cho cói bị thâm, nhanh hỏng, mất lớp dầu bảo vệ. Ta chỉ nên giặt chiếu bằng nước thường hoặc bằng quả giặt tự nhiên như bồ hòn.
Kết luận: đặc tính hút ẩm của sợi nếu được áp dụng đúng sản phẩm, sẽ phát huy tác dụng rất tốt. Nếu bạn sử dụng giỏ, túi, hộp cói, hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng thường xuyên, hơi tay người và lớp dầu tự nhiên trên tay bạn sẽ giúp sản phẩm không bị mốc. Điều này đúng với cả các sản phẩm rổ rá tre, sọt mây... như Trại Cá đã giới thiệu ở phần trước