Tre là một loài cây được trồng nhiều ở làng quê Việt Nam, là một trong những nguyên liệu chủ đạo trong ngành thủ công mỹ nghệ, ứng dụng nhiều trong các sản phẩm trang trí nhà cửa, trong đó có đèn trang trí
Tre là loại cây dễ sống, mọc nhanh, có ứng dụng vô biên, làm nhà, lợp mái, đóng cọc.v.v... Trại Cá xin phép chỉ nói đến Tre trên khía cạnh nguyên liệu làm đồ dùng thủ công.
Xử lý chung: Để làm được đồ thủ công, cây tre cần được chẻ đôi phơi khô trước ( nhưng chưa khô giòn, còn độ ẩm nhất định để mềm dẻo dễ thao tác ) sau khi được chẻ vót, đan thành sản phẩm, cần được phơi khô tiếp cho kiệt nước, định hình và hạn chế mốc.
Ảnh: tre lồ ô được phơi tại làng nghề Bao La, Huế
Cấu tạo tre: Thân tre bao gồm Cật tre, thịt tre, ruột tre, màng tre.
Ruột tre ( Tre bụng ) : Phần này làm sản phẩm đẹp vì trắng, mềm dễ uốn. tuy nhiên đây là phần ít sợi gỗ nhất và nhiều nước nhất, yếu nhất, dễ mốc hỏng nhất.
Nếu các sản phẩm từ tre bụng không được xử lý như phơi, hun khói sẽ bị mốc nhanh chóng. Thường tre bụng chỉ thích hợp làm các sản phẩm ngắn hạn như hộp quà, làn, giỏ đi tặng. Lạt buộc bánh chưng cũng là phần tre bụng này
Ảnh: Ví dụ sản phẩm tre bụng: giỏ trứng trong siêu thị
Thịt tre: nằm giữa ruột và cật, đây là phần được sử dụng nhiều nhất, chủ yếu cho thân sản phẩm.
Cật tre là lớp ngoài cùng của tre, có thể còn lớp vỏ xanh ( còn gọi là tinh tre ) nhẵn bóng hoặc không (màu xanh lâu dần chuyển thành vàng) Đây cũng là phần bền nhất của cây tre, cực kỳ chắc chắn, khó mốc. Thường cật tre hay được ưu tiên dùng cho các phần cần chịu lực cao như vành rổ, đáy rổ.
Ảnh: Phần rổ làm từ thịt tre, phần vành rổ từ cật tre